Độ nhạy sáng ISO là một thuật ngữ máy ảnh được sử dụng rộng rãi. ISO là viết tắt của International Organisation for Standardisation (Tổ Chức Chuẩn Hóa Quốc Tế), một tổ chức quyết định tiêu chuẩn hóa và xếp hạng độ nhạy cho cảm biến máy ảnh.
ISO là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới độ sáng, tối của một bức ảnh. ISO càng cao thì cảm biến bắt sáng càng nhạy, giúp giảm thời gian phơi sáng. Tuy nhiên, ISO càng tăng thì độ nhiễu màu và hạt càng tăng.
Vì vậy, xu hướng khi chụp là cố gắng giữ ISO ở mức thấp nhất. Sau khi đã mở khẩu độ tối đa cũng như giảm tốc độ cửa chập xuống hết mức cho phép mà ảnh vẫn không đủ sáng người ta mới phải dùng đến việc tăng độ nhạy ISO, như là một giải pháp cuối cùng. Bạn hãy xem hình dưới đây để thấy sự khác nhau giữa ISO thấp và cao.
ISO và độ nhiễu ảnh
Tăng độ nhạy sáng ISO có một nhược điểm. Khi tăng độ nhạy sáng, hiện tượng bị nhiễu ảnh càng thấy rõ nhất là trong các vùng tối hơn. Các bức ảnh sau đó có thể được xử lý thông qua các phần mềm nhưng không mang lại độ mịn màng như mong đợi.
Thông thường, độ nhiễu tại một ISO nhất định phụ thuộc vào kích thước của cảm biến camera và độ phân giải của nó theo megapixel. Các cảm biến lớn trong các máy ảnh không gương lật và máy DSLR sản sinh ra ít độ nhiễu hơn nhiều so với các cảm biến nhỏ trong điện thoại thông minh và máy ảnh compact thông thường.
Tuy độ sạn thường khiến chúng ta khó chịu, nhưng khá nhiều người lại thích yếu tố này, thậm chí còn phải dùng phần mềm hiệu chỉnh để tạo ra chúng, đơn giản vì sạn cũng khiến ảnh mang chút gì đó tâm trạng và ký ức xưa cũ hơn.
ISO và độ phơi sáng
ISO được hiệu chỉnh theo những bước tăng độ phơi sáng lên gấp đôi giống như tốc độ màn trập và điều chỉnh khẩu độ, nó cho phép bạn dễ dàng kết hợp để cùng đạt phơi sáng.
Ví dụ, tăng ISO từ 100 lên 200 sẽ tăng gấp đôi độ nhạy của máy ảnh, tương đương với việc tăng thời gian phơi sáng từ 1/60 giây đến 1/30 giây, hoặc mở khẩu độ từ f/8 đến f/5.6, mỗi lần điều chỉnh này sẽ tăng gấp đôi độ phơi sáng.
Giá trị ISO đã được tính toán theo một phạm vi giá trị chuẩn sao cho tương đương với việc tăng lượng ánh sáng lên gấp đôi hoặc giảm lượng ánh sáng xuống còn một nửa của các giá trị kế tiếp.
Cũng giống như tốc độ màn chập và độ mở khẩu độ, ISO cũng cung cấp các giá trị trung gian, ví dụ giữa ISO 100 và ISO 200 bạn có thể cài đặt ISO 125 và 160. Một số máy ảnh có cài đặt ISO dưới 50, và tối đa là ISO 12.800.
Khi thiết lập ISO, bạn nên lưu ý các vấn đề sau:
Khi nào nên sử dụng IOS cao:
Nếu bạn đang chụp hình trong chế độ thiếu sáng và không có chân máy, bạn cần đảm bảo rằng tốc độ màn trập vẫn đủ cao để tránh nguy cơ rung máy. Nếu bạn đang đi dạo để chụp bức ảnh đường phố hoặc thành phố vào ban đêm, ví dụ như trong tòa nhà công cộng hoặc nhà hàng, bạn cần sử dụng một tiêu chuẩn ISO cao hơn.
Tốc độ màn trập đặc biệt quan trọng khi chủ thể đang di chuyển, bởi vì bạn sẽ cần tốc độ màn trập nhanh hơn để tránh bị mờ hình, bao gồm ảnh chụp người biểu diễn đường phố và nhiều hoạt động thể thao trong nhà.
Khi nào nên sử dụng ISO thấp
Nếu bạn đang sử dụng chân máy và chụp các đối tượng tĩnh, bạn không cần tốc độ màn trập nhanh, vì vậy bạn có thể sử dụng cài đặt ISO thấp và điều này sẽ mang lại cho bạn chất lượng hình ảnh tốt nhất, bao gồm chụp phong cảnh và chụp ban đêm.
Độ phơi sáng cao cũng cho phép bạn chụp được chuyển động của chủ thể, ví dụ như thác nước chảy trong các cảnh quan hoặc các con đường giao thông vào ban đêm, nó giúp nâng cao chất lượng hình ảnh của bạn.
ISO là một yếu tố rất quan trọng cần hiểu rõ trong nhiếp ảnh nếu bạn muốn tạo ra những bức ảnh chuyên nghiệp. Hãy thử với các thiết lập ISO khác nhau để có được những tấm ảnh như ý. Chúc các bạn thành công!
↑
Đang xử lý... Vui lòng chờ trong giây lát.